Bức ảnh thành tâm điểm chú ý thế giới

Châu Âu đang trải qua một mùa đông bất thường, khi tuyết không còn phủ trắng những ngọn đồi, nhiệt độ cao kỷ lục và mưa bão trút xuống nhiều khu vực.

Ảnh chụp khu nghỉ dưỡng Le Praz De Lys vào mùa đông năm 2018 (trái) và năm 2022. Ảnh: Christine Harrison.

Trong 20 năm qua, Christine Harrison vẫn thường đến Le Praz De Lys-Sommand – khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở dãy núi Alps (Pháp), mỗi dịp nghỉ đông. Khung cảnh chào đón cô qua khung cửa sổ vẫn luôn là lớp tuyết dày và xốp phủ trắng những ngọn núi, ngọn đồi và ngôi nhà gỗ rộng lớn.

Tuy nhiên, năm nay, Harrison nhận thấy mọi thứ rất cằn cỗi. Nhiều người bạn đam mê trượt tuyết của cô phải cất ván trượt và trở về nhà sớm.

“Năm nay thực sự không có tuyết”, cô nói với CNN, đồng thời chia sẻ hai bức ảnh cho thấy sự khác biệt giữa mùa đông năm 2022 và 2018.

Hiện nay, phần lớn châu Âu đang trải qua thời tiết ấm áp trái mùa, trong đó một số quốc gia ghi nhận tháng Giêng ấm nhất từ trước đến nay.

Theo BBC, 8 quốc gia đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong nước và 3 quốc gia đã phá vỡ kỷ lục khu vực.

Nhiệt độ cao bất thường

Warsaw, Ba Lan, ghi nhận mức nhiệt 18,9 độ C hôm 1/1, cao hơn mức kỷ lục trước đó 4 độ C.

Cùng ngày, thành phố Bilbao, Tây Ban Nha, cũng trải qua mức nhiệt 25,1 độ C – cao hơn 10 độ C so với mức trung bình và tương đương nhiệt độ trung bình trong tháng 7.

Nhiệt độ ở Hà Lan, Liechtenstein, Litva, Latvia, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Đan Mạch và Belarus đều phá kỷ lục quốc gia. Đức, Pháp và Ukraine cũng phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của khu vực.

Ngay từ trước thời điểm chuyển giao năm mới, sự ấm áp kỳ lạ đã bao trùm Pháp và Đức. Nhiều khu vực duy trì mức nhiệt trên 10 độ C vào sáng 29/12 và ghi nhận đêm tháng 12 ấm nhất trong lịch sử, theo Washington Post.

Tại Pháp, cơ quan khí tượng quốc gia ghi nhận nhiệt độ trung bình vào ngày 31/12/2022 cao hơn 8 độ C so với nhiệt độ tham chiếu hàng ngày trong giai đoạn 1991-2020.

mua dong chau Au anh 1
Khu nghỉ dưỡng Klewenalp-Stockhutte ở miền Trung Thụy Sĩ, vào ngày 4/1. Ảnh: Mark Bennett.

BBC nhận định việc kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ không phải điều mới lạ, song sự chênh lệch lớn so với các kỷ lục trước đó cho thấy dấu hiệu bất thường của mùa đông châu Âu.

Do thời tiết ấm áp, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên dãy Alps, đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng ở vùng thấp hơn, đã tạm đóng cửa. Không chỉ thiếu tuyết, nhiều khu vực ở châu Âu cũng phải hứng chịu các trận mưa lũ lớn giữa mùa đông.

Trước khi rời Anh đến khu nghỉ dưỡng Le Praz De Lys, Harrison và bạn đời đã biết nơi đây sẽ không có tuyết. Họ vẫn quyết định đi để kiểm tra căn nhà gỗ vì nghe nói rằng mưa và tuyết tan khiến tầng hầm bị ngập.

Giờ đây, thay vì dành cả ngày trên sườn núi, Harrison đang quan sát động vật hoang dã từ ban công nhà mình. Cô nhận thấy những con chim dường như cũng bối rối trước điều kiện thời tiết giống như mùa xuân.

“Tôi không thường gặp chim sẻ ngô xanh ở dãy Alps trong khoảng thời gian này”, Harrison nói.

Ông Laurent Reynaud, Giám đốc điều hành Domaines Skiables de France – cơ quan đại diện cho các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Pháp, nói với CNN rằng một nửa trong số 7.500 dốc trượt tuyết ở Pháp đang đóng cửa do “thiếu tuyết và mưa nhiều”.

Một số khu nghỉ dưỡng cũng cố gắng thích ứng, chẳng hạn chuyển từ cho thuê dụng cụ trượt tuyết sang xe đạp leo núi và khuyến khích du khách trải nghiệm vùng nông thôn.

Tuy nhiên, không phải địa điểm nào cũng có thể áp dụng chiến lược này.

“(Ở đây) có quá nhiều tuyết khiến mọi người không thể đạp xe, nhưng lại quá ít cho trải nghiệm trượt tuyết”, ông Jaques Murat, đại diện của khu nghỉ dưỡng Axe 3 Domaines, cho biết.

Theo chuyên gia khí tượng học Fraser Wilkin – người điều hành một trang web tên Weather to Ski, cung cấp thông tin cho người trượt tuyết – những khu vực này sẽ cần lượng tuyết rơi rất lớn để cải thiện tình hình.

“Chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi thực tế là mọi địa điểm trên dãy Alps đều có lớp tuyết dày dưới mức trung bình vào thời điểm này”, ông nói.

Trong khi đó, một số khu nghỉ dưỡng đang sử dụng tuyết nhân tạo để thay thế. Tuy nhiên, lớp tuyết giả này vẫn có thể tan chảy, đặc biệt nếu nhiệt độ chạm mức 15 độ C. Phương pháp này cũng tốn kém và tác động đáng kể đến môi trường vì tiêu thụ lượng lớn năng lượng và nước.

Với những khó khăn hiện tại, ông Reynauld nhận định: “Biến đổi khí hậu đang diễn ra. Đó là điều hiển nhiên trên khắp châu Âu. Chúng tôi đang rơi vào tình cảnh giống như các nước láng giềng như Thụy Sĩ, Italy và Áo”.

Tương lai bấp bênh

Bên kia dãy núi Alps ở Thụy Sĩ, ông Mark Bennett đang sống trong một ngôi làng nhỏ gần Lucerne, nằm ở cuối khu trượt tuyết Klewenalp-Stockhutte. Giống như Le Praz De Lys, Klewenalp-Stockhutte là một khu nghỉ dưỡng nhỏ ở độ cao thấp, với điểm cao nhất chỉ hơn 2.000 m.

“Họ đã đóng cửa khu nghỉ dưỡng để giữ tuyết, chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và năm mới, nhưng tất cả đều biến mất”, ông Bennett, người đã sống ở khu vực này khoảng 10 năm, chia sẻ. “Thật buồn, tôi không còn thấy tiếng ồn ào và nhịp sống của ngày nghỉ lễ nữa”.

mua dong chau Au anh 2
Ông Bennett thất vọng vì khu nghỉ dưỡng không còn nhộn nhịp. Ảnh: Mark Bennett.

Trong khi đó, Isa Castellvi, quản lý lớp dạy trượt tuyết tại một khu nghỉ dưỡng ở dãy núi Pyrenees, đang cố gắng giữ tinh thần lạc quan trong ngắn hạn. Cô hy vọng tình trạng sẽ cải thiện vào tuần tới, khi khu vực này dự báo có tuyết rơi.

Tuy nhiên, về lâu dài, Castellvi cảm thấy tương lai thật ảm đạm.

“Tôi ước tương lai sẽ tốt hơn, nhưng thật không may, với tư cách là một nhà hoạt động môi trường, tôi không lạc quan lắm về những gì sẽ xảy ra”, cô chia sẻ.

“Tôi tin những gì các chuyên gia về biến đổi khí hậu cảnh báo. Tất cả chúng ta đều đang nhìn thấy bằng chứng”, Castellvi nhấn mạnh.

Theo chuyên gia khí tượng Wilkin, tình hình thời tiết tại dãy Alpine ngày càng “bất ổn” và sẽ còn tồi tệ hơn khi cuộc khủng hoảng khí hậu bao trùm châu Âu.

Và sự khó đoán của mùa đông châu Âu đang khiến nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đối mặt tương lai bấp bênh. “Chúng ta sẽ thấy các khu nghỉ dưỡng ngày càng chịu nhiều áp lực hơn”, ông Wilkin nói.

Khai Tâm

Xem nhiều