Chuyện gì đang xảy ra với tỷ phú giàu nhất châu Á?

Tài sản cá nhân của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã bị thổi bay 34 tỷ USD chỉ trong 3 ngày giao dịch, sau khi công ty bán khống Hindenburg đưa ra cáo buộc chống lại tập đoàn của ông.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.

Người đàn ông giàu nhất châu Á lọt vào tầm ngắm của một công ty nghiên cứu mà chỉ cái tên của nó đã gợi lên sự hoảng sợ, CNN nhận định.

Hindenburg Research – được đặt tên theo thảm họa khinh khí cầu năm 1937 – là một công nghiên cứu tài chính nhỏ và tương đối mới mẻ ở New York. Công ty này nổi tiếng vì đã có những lần đánh cược táo bạo nhắm vào các tập đoàn mà họ tin là được định giá quá cao, tập đoàn lừa đảo hoặc cả hai.

Tuần trước, Hindenburg khiến các nhà đầu tư hoang mang khi công bố báo cáo dựa trên cuộc điều tra của họ đối với Tập đoàn Adani, một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất của Ấn Độ.

Báo cáo đó và đợt bán tháo mà nó gây ra đang làm dấy lên những lo ngại về quá trình quản trị của tập đoàn này, cũng như thúc đẩy cuộc tranh luận về vai trò của những công ty bán khống như Hindenburg trên thị trường tài chính. Giá trị thị trường của các công ty thuộc đế chế Adani đã bị thổi bay 70 tỷ USD sau đợt bán tháo.

Không những vậy, nhà sáng lập Gautam Adani đã rớt khỏi danh sách 10 người giàu nhất thế giới – và ông có thể sớm mất danh hiệu người giàu nhất châu Á vào tay đối thủ lâu năm Mukesh Ambani, Bloomberg đưa tin ngày 31/1.

Tỷ phú Adani là ai?

Gautam Adani, 60 tuổi, là người đã sáng lập Tập đoàn Adani hơn 30 năm trước. Ông đã xây dựng tập đoàn này thành nhà điều hành cảng lớn nhất Ấn Độ, với các hoạt động kinh doanh bao gồm cơ sở hạ tầng và sản xuất năng lượng.

Ông trở thành người giàu nhất Ấn Độ một năm trước và nhanh chóng vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới.

Báo cáo của Hindenburg cáo buộc tập đoàn này và chính ông Adani đã thực hiện “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử các tập đoàn”. Trong khi đó, phía Tập đoàn Adani đã bác bỏ cáo buộc.

Hindenburg cho rằng Tập đoàn Adani “thao túng cổ phiếu trắng trợn” và gian lận kế toán trong nhiều thập kỷ, đồng thời nhận định cổ phiếu của đế chế này được định giá quá cao. Hindenburg đã bán khống cổ phiếu của tập đoàn này, đồng nghĩa với việc họ sẽ hưởng lợi khi cổ phiếu giảm.

Tập đoàn Adani phản pháo, gọi báo cáo của Hindenburg là “lời nói dối”. Họ cho biết việc Hindenburg bán khống trái phiếu và các công cụ phái sinh được giao dịch ở nước ngoài là hành vi gian lận chứng khoán. Báo cáo là cuộc tấn công vào Ấn Độ, công ty này khẳng định.

Phản bác, Hindenburg cho rằng “chủ nghĩa dân tộc không thể che đậy hành vi gian lận”, đồng thời cho rằng Tập đoàn Adani đã phớt lờ “mọi cáo buộc quan trọng mà chúng tôi đưa ra”.

Kể từ khi báo cáo của Hindenburg được công bố vào tuần trước, tập đoàn này đã mất hơn 70 tỷ USD giá trị trên thị trường chứng khoán, CNN đưa tin.

Nhà tài phiệt Ấn Độ đã tụt từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 11 trên Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, khi tài sản cá nhân bị thổi bay 34 tỷ USD chỉ trong 3 ngày giao dịch.

Bán khống là gì?

Bán khống là chiến thuật đầu tư dựa trên việc cổ phiếu mất giá trị.

Nếu diễn đạt bằng ngôn ngữ phổ thông, giả sử bạn của bạn có một vé xem bóng đá. Tuy nhiên, bạn cho rằng giá vé có thể giảm do nhu cầu thấp vào ngày trận đấu diễn ra. Vì vậy, bạn vay vé từ bạn mình với một khoản phí nhỏ và hứa sẽ trả lại cho họ đúng giờ trận đấu bắt đầu.

Ngay lập tức, bạn bán chiếc vé đã mượn với giá 50 USD, cá cược rằng vào ngày diễn ra trận đấu, giá vé sẽ thấp hơn mức đó. Cuối cùng, thời tiết xấu khiến mọi người ở nhà và sân vận động bắt đầu giảm giá vé. Khi đó, bạn mua vé với giá 30 USD, trả lại cho người bạn và bỏ túi 20 USD chênh lệch (sau đó trừ đi khoản phí vay đã trả cho người bạn này trước đó).

Trên thực tế, các công ty chuyên bán khống thường nằm trong số những công ty bị chỉ trích nhiều nhất.

Trong khi đó, những công ty bán khống lập luận rằng công việc của họ đóng vai trò giám sát quan trọng, vạch trần gian lận và giữ cho tài sản không bị thổi phồng quá mức.

Trong một báo cáo năm 2021, Hindenburg nhận định việc nghiên cứu của họ là cần thiết vì “Phố Wall là một cỗ máy được điều chỉnh tinh vi, được xây dựng để bán chứng khoán cho công chúng, bất kể chất lượng như thế nào”.

“Thế giới doanh nghiệp đầy rẫy gian lận và các nhà đầu tư có rất ít sự bảo vệ”, họ nhận định.

Về mặt tích cực, những công ty bán khống đóng vai trò quan trọng trong việc vạch trần những vụ lừa đảo lớn trên thị trường như vụ Enron năm 2001 và vụ lừa đảo thế chấp có hệ thống gần như đã phá hủy nền kinh tế toàn cầu vào năm 2008.

Tất nhiên, CNN cho biết không gì có thể ngăn cản những thành phần ác ý đưa ra tuyên bố phóng đại hoặc không có thật về một công ty để cố gắng kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Hindenburg là công ty nào?Hindenburg là một công ty bán khống chuyên nghiên cứu điều tra tài chính, được thành lập vào năm 2017 bởi Nathan Anderson.

Hindenburg, được đặt tên theo chiếc khinh khí cầu của Đức nổ tung vào năm 1937, đã nhắm mục tiêu vào khoảng 30 công ty kể từ năm 2020. Trung bình, cổ phiếu của những công ty này thường giảm khoảng 15% một ngày sau báo cáo của Hindeburg và giảm 26% trong 6 tháng sau, theo tính toán của Bloomberg.

nguoi giau nhat chau A anh 1
Ông Nathan Anderson. Ảnh: Redux.

“Chúng tôi coi Hindenburg là hình ảnh thu nhỏ của một thảm họa hoàn toàn do con người tạo ra, hoàn toàn có thể tránh được”, website của công ty này viết.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?Luật sư hàng đầu của Tập đoàn Adani cho biết họ đang xem xét hành động pháp lý chống lại Hindenburg. Đáp lại, Hindenburg khẳng định hoan nghênh hành động như vậy và vẫn tiếp tục bảo vệ báo cáo của mình.

Trong khi đó, những thông tin tiêu cực trên mặt báo đã đến vào thời điểm khó khăn đối với ông Adani, người đang đặt mục tiêu huy động 2,5 tỷ USD bằng cách phát hành cổ phiếu mới của Adani Enterprises trong tháng này.

Vân Đinh

Xem nhiều