Loại cá xưa chẳng ai biết đến, giờ thành đặc sản nổi tiếng đã ngon lại thơm, 170.000 đồng/kg

Từ cá tai tượng, người ta có thể chế biến theo nhiều cách như kho, hấp xì dầu…

Vĩnh Long là vùng đất có nhiều đặc sản hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như lẩu gà nòi, cá út nấu canh chua, chuột đồng nướng… Và chúng ta không thể bỏ qua cá tai tượng – sản vật quý hiếm làm nên tên tuổi của nơi này.

Cá tai tượng là một loài cá nước ngọt có thân dẹt bên, chiều dài gần gấp đôi chiều cao, mõm nhọn, miệng khá rộng, vây lưng dài, vây đuôi tròn. Chúng có lớp vảy ánh lên màu bạc, thường được người dân địa phương nuôi trong mương vườn.

Cá tai tượng chính là đặc sản của Vĩnh Long.

“Nhà nào có đám tiệc hoặc khách quý ghé thăm, người dân quê tôi mới thả vó để kéo cá tai tượng dưới mương ao lên rồi chọn con chừng 1kg để thiết đãi. Bởi với độ lớn này, cá thường ngọt thịt, dai, chế biến theo cách nào cũng rất ngon miệng”, chị Huỳnh Thúc Ngọc Hoa (29 tuổi) cho biết.

Cũng theo người phụ nữ này, từ cá tai tượng, người ta có thể chế biến theo nhiều cách như kho, hấp xì dầu… Song ngon nhất là chiên xù ăn với bánh tráng gạo – món ăn đặc trưng của loại cá này mà bất cứ du khách nào đến Vĩnh Long cũng cần phải thưởng thức một lần.

Cá tai tượng chiên xù được chế biến khá đơn giản. Theo đó cá mua về đem sơ chế cẩn thận, không được đánh vảy, chỉ cần đập đầu, móc mang, bỏ ruột. Sau đó các bà các mẹ sẽ để ráo phần cá tai tượng đã sơ chế rồi bắc chảo dầu lên cho thật sôi.

Cá tai tượng chiên xù chính là món ăn đặc sản làm nên tên tuổi của Vĩnh Long.

“Muốn cá nổi vảy, giòn tan, các bà các chị thường cho cá vào chảo khi dầu thật nóng, lửa trong quá trình chiên phải để nhỏ liu riu. Đặc biệt con cá phải được ngập trong dầu và không để lửa quá lớn để cá không bị cháy. Khi cá có độ chín vàng vừa phải thì gắp cho ra đĩa, đặt miếng giấy thấm dầu phía dưới giúp cho cá ráo dầu nhanh hơn và khi ăn không quá ngấy vì chất béo của dầu”, chị Huỳnh Thúc Ngọc Hoa nói.

Thứ làm nên cái ngon của cá tai tượng chiên xù chính là nước chấm. Để làm nước chấm ngon, trước hết phải chuẩn bị tỏi, cho một ít đường và ớt vào giã thật nhuyễn, nếu muốn chén nước chấm thật đẹp mắt thì nên băm nhuyễn. Sau đó vắt thêm nửa quả chanh và vài muỗng nước mắm ngon vào, khuấy đều tay. Cho thêm chút nước ấm vào rồi nêm nếm gia vị sao cho vừa có vị ngọt vừa phải mà vẫn đảm bảo độ chua thích hợp.

Ăn kèm với cá tai tượng chiên xù không thể thiếu các loại rau đồng như rau thơm, chuối chát, khế, đọt cóc non, lá cách, lá hẹ… “Khi ăn, thực khách xếp các loại rau trên lớp bánh tráng thấm nước mỏng, sau đó gắp từng miếng thịt cá vẫn còn đang nóng hổi, thêm lên đó những ngọn rau thơm, rau quế, bún… rồi gói lại sao cho từng ấy thức ăn được cuộn vào. Chấm nhẹ cuốn bánh vào chén nước mắm tỏi ớt, cắn một miếng, du khách cảm nhận vị béo của cá, vị ngọt của thịt luộc, bún và các loại rau đồng cùng vị cay nồng của ớt, vị chua của chanh… tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị khó quên đối với người thưởng thức”, người phụ nữ miền Tây cho hay.

Hiện cá tai tượng được rao bán ở các chợ quê của Vĩnh Long hoặc siêu thị thuỷ hải sản tại vài thành phố lớn. Chúng có giá lên tới 170.000 đồng/kg.

K.T

Xem nhiều