Người thứ ba trên thế giới được tuyên bố chữa khỏi HIV

Người đàn ông được gọi là “bệnh nhân Duesseldorf” trở thành người thứ ba được tuyên bố khỏi HIV sau khi hoàn thành cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu.

Người thứ ba trên thế giới được tuyên bố chữa khỏi HIV
Ảnh minh họa: Virus HIV

Hai trường hợp khác mắc HIV và ung thư là các bệnh nhân ở Berlin và London trước đó cũng được tuyên bố khỏi HIV trên các tạp chí khoa học, sau khi được cấy ghép tế bào gốc, AFP đưa tin.

Chi tiết quá trình điều trị cho “bệnh nhân Duesseldorf” mới đây được công bố trên tuần san Nature Medicine. Bệnh nhân nam giới, 53 tuổi, được chẩn đoán mắc HIV hồi năm 2008.

Ba năm sau, ông lại được chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML), một dạng ung thư máu nguy hiểm tới tính mạng.

Năm 2013, bệnh nhân được cấy ghép tủy xương, sử dụng tế bào gốc từ một người hiến tạng nữ có đột biến gene CCR5 hiếm. Đột biến này được xác định có thể ngăn chặn HIV xâm nhập tế bào. “Bệnh nhân Duesseldorf” đã dừng các liệu pháp kháng virus HIV từ 2018.

Bốn năm sau, các xét nghiệm liên tục cho thấy không có dấu hiệu HIV trở lại cơ thể bệnh nhân.

Nghiên cứu về “bệnh nhân Duesseldorf” cho rằng “trường hợp chữa khỏi HIV-1 thứ ba” đã mang tới “nhiều hiểu biết quý giá mang đến hy vọng sẽ định hướng các phương pháp điều trị trong tương lai”.

Bệnh nhân tuyên bố ông “tự hào về đội ngũ các bác sĩ đã chữa thành công HIV và cả bạch cầu cho ông”, đồng thời cho biết đã ăn mừng kỷ niệm 10 năm ngày cấy ghép tế bào gốc hồi tuần trước.

Quá trình phục hồi của hai bệnh nhân HIV và ung thư khác, được gọi là “bệnh nhân New York” và “bệnh nhân Thành phố Hy vọng”, đã được công bố tại các hội thảo khoa học năm 2022, tuy vậy giới khoa học vẫn chưa công bố nghiên cứu về họ.

Giới khoa học từ lâu đã tìm kiếm các phương pháp chữa trị HIV, nhưng cấy ghép tủy xương được đánh giá là nguy hiểm và nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc nó chỉ thích hợp với số nhỏ các bệnh nhân vừa mắc HIV, vừa bị ung thư máu. Việc tìm kiếm người hiến tạng có đột biến CCR5 cũng rất khó khăn.

Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu phương pháp điều trị HIV là phát triển các liệu pháp an toàn, hiệu quả và quan trọng hơn cả là có tính ứng dụng cao, dễ tiếp cận cho hơn 38 triệu bệnh nhân HIV trên khắp thế giới, theo NBC News. Giới khoa học hy vọng có thể đạt được mục tiêu này trong những thập kỷ sắp tới.

Linh Giang

Xem nhiều