Hàng chục nước khác nằm trong vùng nguy hiểm vỡ nợ

Sau Sri Lanka, ít nhất một chục nước khác hiện ở vùng nguy hiểm vỡ nợ, trong bối cảnh sự gia tăng chi phí đi vay, lạm phát cùng nợ làm dấy lên nỗi sợ sụp đổ nền kinh tế.

Các cuộc khủng hoảng nợ công truyền thống, đồng tiền có tín hiệu mất giá mạnh, chênh lệch tín dụng (bond spread) ở mức 1.000 điểm cơ sở, cùng kho dự trữ ngoại hối cạn kiệt là những chỉ dấu cho thấy số lượng các quốc gia đang phát triển gặp rắc rối kinh tế hiện ở mức cao kỷ lục.

Sri Lanka, Lebanon, Suriname và Zambia hiện đã vỡ nợ. Belarus đang mấp mé bên bờ vực, trong khi ít nhất một chục nước khác hiện ở vùng nguy hiểm.

Lấy chênh lệch tín dụng ở mức 1.000 điểm cơ sở làm tiêu chí đánh giá, các chuyên gia đã phân tích số nợ 400 tỷ USD trên thế giới. Theo đó, Argentina nợ nhiều nhất với hơn 150 tỷ USD, theo sau lần lượt là Ai Cập (45 tỷ USD) và Ecuador (40 tỷ USD).

vung nguy hiem vo no anh 1
Số lượng quốc gia đang phát triển có mức chênh lệch tín dụng vượt quá 1.000 điểm cơ sở đang ở mức kỷ lục. Đồ họa: Reuters.

Ukraine và Belarus mấp mé

Pakistan đã đạt được thỏa thuận quan trọng với IMF trong tuần qua. Bước đột phá này diễn ra đúng lúc hơn bao giờ hết khi mà giá năng lượng nhập khẩu tăng cao đang đẩy Pakistan đến bờ vực khủng hoảng cán cân thanh toán.

Dự trữ ngoại tệ của Pakistan đã giảm xuống mức thấp nhất là 9,8 tỷ USD, gần như không đủ cho 5 tuần hàng nhập khẩu. Giá trị đồng rupee của Pakistan cũng xuống mức thấp kỷ lục. Chính phủ mới cần phải nhanh chóng giảm chi tiêu vì nó hiện dành ra 40% thu ngân sách chỉ để trả tiền lãi.

Một nước khác gặp nguy hiểm là Ukraine. Cuộc giao tranh với Nga cũng đồng nghĩa với việc Ukraine gần như chắc chắn sẽ phải tái cơ cấu khoản nợ hơn 20 tỷ USD, các nhà đầu tư nặng ký như Morgan Stanley và Amundi cảnh báo.

Tháng 9 tới, Ukraine sẽ phải thanh toán 1,2 tỷ USD trái phiếu. Kyiv được đánh giá là có khả năng trả khoản trên với số tiền trợ cấp và kho dự trữ hiện nay.

Nhưng khi Naftogaz – công ty dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất của Ukraine – vào tuần này đã đề nghị các chủ nợ quốc tế cho được đóng băng nợ trong vòng 2 năm, nhà đầu tư nghi ngờ chính phủ cũng sẽ có động thái tương tự.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga vỡ nợ vào tháng 6 và Belarus hiện cũng phải đối mặt với các biện pháp cứng rắn tương tự vì đứng về phía Nga trong giao tranh Ukraine.

vung nguy hiem vo no anh 2
Khoản trái phiếu 1,2 tỷ USD của Ukraine sẽ đáo hạn vào tháng 9. Ảnh: Reuters.

Nhiều nước châu Phi gặp rủi ro

Tại châu Phi, Tunisia là một trong những nước gặp rủi ro lớn nhất với thâm hụt ngân sách ở mức gần 10%. Khoản tiền lương cho người lao động ở khu vực nhà nước mà Tunisia cần trả cũng nằm trong số cao nhất thế giới, trong khi chênh lệch tín dụng đã tăng hơn 2.800 điểm cơ sở.

Tunisia cùng Ukraine và El Salvador là ba nước có khả năng vỡ nợ cao nhất theo danh sách của Morgan Stanley. “Việc đạt thỏa thuận với IMF đã trở thành điều rất cấp bách”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Marouan Abassi từng nói.

Vay mượn dồn dập đã khiến tỷ lệ nợ công trên GDP của Ghana tăng vọt tới gần 85%. Đồng tiền của Ghana, đồng cedi, đã mất gần 25% giá trị trong năm nay, trong khi nước này đã phải dùng hơn một nửa tiền thu thuế để trả lãi. Lạm phát cũng gần chạm mức 30%.

Ai Cập có tỷ lệ nợ công trên GDP gần 95%. Công ty quản lý quỹ FIM Partners ước tính Ai Cập sẽ phải trả 100 tỷ USD nợ ngoại tệ trong 5 năm tới, bao gồm khoản trái phiếu 3,3 tỷ USD vào năm 2024.

Ai Cập đã để đồng bảng trượt giá 15% và xin IMF hỗ trợ vào hồi tháng 3. Nhưng hiện nay, chênh lệch tín dụng đã lên tới mức hơn 1.200 điểm cơ sở, trong khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) – một công cụ của nhà đầu tư để đề phòng rủi ro – đã cân nhắc thêm khả năng 55% Ai Cập không thể thanh toán.

vung nguy hiem vo no anh 3
Nhiều nước châu Phi gặp vấn đề về nợ công. Đồ họa: Reuters.

Kenya cũng dành ra khoảng 30% thu ngân sách chỉ để thanh toán tiền lãi suất. Trái phiếu của Kenya đã mất gần một nửa giá trị, trong khi nước này không còn khả năng tiếp cận thị trường vốn. Đây sẽ là một vấn đề lớn khi Kenya đến hạn trả khoản trái phiếu 2 tỷ USD vào năm 2024.

Nói về Kenya, Ai Cập, Tunisia và Ghana, chuyên gia David Rogovic từ Moody nhận định đây là những nước dễ tổn thương nhất vì tỷ lệ nợ sắp đáo hạn so với dự trữ ngoại hối, cũng như vì những thách thức tài khóa trong việc ổn định gánh nặng nợ.

Argentina nguy cơ lặp lại lịch sử

Argentina – nước giữ kỷ lục thế giới với 9 lần vỡ nợ – có khả năng sẽ lặp lại lịch sử, theo Reuters. Đồng peso hiện giao dịch ở mức chiết khấu 50% trên thị trường chợ đen, trong khi kho dự trữ ngoại hối thấp nghiêm trọng. Trái phiếu Argentina hiện cũng chỉ giao dịch ở mức 20%, chưa bằng một nửa mức từng có sau đợt tái cơ cấu nợ năm 2020.

Từ nay tới năm 2024, chính phủ Argentina không có khoản nợ lớn nào cần trả nhưng các khoản nợ sẽ đáo hạn nhiều vào khoảng thời gian sau đó. Một số người cũng lo ngại Phó tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner sẽ cố gắng thúc đẩy hủy thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

vung nguy hiem vo no anh 4
Đồng peso của Argentina. Quốc gia này đến nay đã có 9 lần vỡ nợ. Ảnh: Reuters.

Động thái công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp của El Salvador đã khép lại hy vọng nước này có thể đề nghị hỗ trợ từ IMF.

Mức tín nhiệm ở El Salvador đã xuống thấp đến mức khoản trái phiếu 800 triệu USD đáo hạn trong 6 tháng của nước này được giao dịch ở mức 30% chiết khấu. Các khoản trái phiếu khác với thời điểm đáo hạn cách xa hơn hiện giao dịch ở mức 70% chiết khấu.

Ecuador chỉ mới vỡ nợ cách đây hai năm nhưng gần đây lại rơi vào tình trạng khủng hoảng vì các cuộc biểu tình bạo lực và nỗ lực hạ bệ Tổng thống Guillermo Lasso.

Quốc gia Mỹ Latinh này có rất nhiều khoản nợ, trong khi chính phủ đang phải trợ giá nhiên liệu và thực phẩm. JPMorgan đã nâng dự báo thâm hụt tài khóa tại khu vực công của Ecuador lên mức 2,4% GDP trong năm nay và 2,1% trong năm sau. Chênh lệch tín dụng đã lên đến mức 1.500 điểm cơ sở.

Quốc Đạt

Xem nhiều