Tái thiết Ukraine cần số tiền khủng khiếp, ai sẽ tài trợ?

Hội nghị về tái thiết Ukraine tại thành phố Lugano, Thụy Sĩ hướng tới tìm giải pháp tái thiết cơ sở hạ tầng, kinh tế, môi trường cũng như các vấn đề xã hội, giúp vực dậy đất nước và nền kinh tế Ukraine vốn bị tàn phá nghiêm trọng do ảnh hưởng của xung đột.

Tái thiết Ukraine có thể hết 750 tỷ USD

“Hiện thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng ước tính đã lên tới hơn 100 tỷ USD, ngoài hơn 1.200 cơ sở giáo dục, 200 bệnh viện và hàng nghìn km đường ống dẫn khí đốt, các mạng lưới điện – nước, đường bộ và đường sắt đã bị phá hủy hoặc hư hại. Ai sẽ trả tiền cho kế hoạch tái thiết được định giá có thể tiêu tốn 750 tỷ USD?”

Những số liệu kể trên đã được Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nêu ra tại hội nghị ở Lugano, cho thấy những thiệt hại đáng kể mà đất nước Ucraina đang phải gánh chịu do ảnh hưởng từ xung đột cũng như nhu cầu cấp thiết để đẩy nhanh quá trình tái thiết đất nước.

Chính phủ Ukraine vừa vạch ra kế hoạch tái thiết đất nước bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu đang được triển khai, tập trung vào trợ giúp nhân đạo khẩn cấp và sửa chữa những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân.

Tiếp đến là giai đoạn tái thiết nhanh trong trung hạn, dự kiến từ năm 2023 – 2025 ngay sau khi xung đột chấm dứt nhằm hồi sinh các cộng đồng đã bị tàn phá thông qua việc xây dựng lại các trường học, bệnh viện và nhà cửa. Cuối cùng là giai đoạn hiện đại hóa đất nước từ năm 2026 – 2032 nhằm biến Ukraine thành một nền kinh tế số hóa xanh và chuẩn bị cho đất nước đầy đủ các điều kiện để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu qua kết nối video trực tuyến tới Hội nghị tái thiết Ukraine, Tổng thống nước này Zelensky lên tiếng thừa nhận nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, nhấn mạnh công cuộc tái thiết Ukraine không phải trách nhiệm riêng của một quốc gia mà là “nhiệm vụ chung của thế giới dân chủ”.

Nhà lãnh đạo Ukraine còn cho rằng, quá trình do một hội đồng tái thiết quốc gia Ukraine phụ trách sẽ cho phép đất nước của ông làm sâu sắc hơn các liên kết với châu Âu.

Mặc dù đây không phải là một sự kiện quy tụ các nhà tài trợ, song hội nghị một lần nữa khẳng định sự hỗ trợ rộng rãi của quốc tế đối với quá trình tái thiết Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach vừa thông báo sẽ tăng gấp ba lần quỹ hỗ trợ Ukraine, lên 7,5 triệu USD, để giúp quốc gia Đông Âu này giải quyết các vấn đề tái thiết, trong đó có các cơ sở thể thao.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch của EU nhằm tái thiết Ukraine thông qua xác định nhu cầu đầu tư của nước này, huy động các nguồn lực, định hình các lựa chọn chiến lược… Trong khi chính phủ Australia cũng hứa hẹn viện trợ bổ sung hơn 100 triệu USD cho Ukraine, bao gồm nhiều trang thiết bị quân sự.

Không mang tính ràng buộc, cam kết, hội nghị kéo dài 2 ngày ở Lugano đang cố gắng đưa ra các nguyên tắc và ưu tiên cho quá trình tái thiết, được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra “lộ trình” giúp đất Ukraine sớm phục hồi.

Kết thúc hội nghị dự kiến các bên sẽ ra tuyên bố Lugano, đề ra các nguyên tắc hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình khôi phục những thiệt hại nghiêm trọng do xung đột. Song rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra về giá trị của hội nghị lần này trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chưa có hồi kết.

Ông Robert Mardini, Tổng Giám đốc của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nhận định rằng việc tái thiết chỉ có thể diễn ra một khi xung đột được chấm dứt hoàn toàn. Trong khi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đặt câu hỏi không biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ kéo dài bao lâu.

Còn theo ông Simon Pidoux, quan chức Thụy Sĩ phụ trách hội nghị ở Lugano, còn quá sớm để ước tính về nhu cầu tái thiết, song có thể lường trước được rằng những nỗ lực để phục hồi Ukraine sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí có thể kéo dài nhiều thập niên./.

Khai Tâm

Xem nhiều