Tài xế đâm chết người, nhà xe Hoa Mai có phải bồi thường?

Theo luật sư, nếu tài xế đang thực hiện công việc được giao, nhà xe Hoa Mai phải liên đới bồi thường. Sau đó, họ có quyền yêu cầu lái xe hoàn trả một khoản tiền nhất định.

Khoảng 6h ngày 22/6, xe khách hãng Hoa Mai do tài xế Cao Quốc Phát (56 tuổi, ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) điều khiển va chạm với 2 xe máy đang qua đường tại khu vực cổng khu công nghiệpn Mỹ Xuân A. Vụ tai nạn khiến 3 người văng xuống đường, một phụ nữ tử vong tại chỗ, 2 người còn lại bị thương.

Nguyên nhân được xác định do lái xe này tăng tốc khi đèn giao thông báo hiệu còn 4 giây đèn xanh. Thời điểm va chạm, vận tốc của chiếc xe khách là 87 km/h.

Chiều cùng ngày, Công an TX Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với tài xế này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Với việc làm 3 người thương vong, lái xe Phát đối diện tình tiết định khung nào? Nhà xe Hoa Mai có phải liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp này không?

lai xe Hoa Mai tong chet nguoi anh 1
Tài xế Phát bị khởi tố sau khi gây tai nạn. Ảnh: N.A.

Mức án nào cho tài xế vi phạm?

Theo dõi clip ghi lại cú vượt của xe khách Hoa Mai, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho rằng vụ tai nạn với hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ ý thức chấp hành pháp luật còn kém của người điều khiển phương tiện.

Thay vì giảm tốc độ, tài xế Phát đã bất chấp mọi nguy hiểm để tăng tốc lên tới 87 km/h khi qua giao lộ và dẫn tới sự việc đau lòng. Hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người tham gia giao thông và đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Với hậu quả làm một người chết, 2 người bị thương, tài xế này có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm, căn cứ khoản 1, Điều 260 Bộ luật này.

Với các trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%, khung hình phạt áp dụng đối với người vi phạm sẽ là 3-10 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, lái xe Phát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác gây ra. Đối với thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, các khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị và các thiệt hại khác cũng như khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân.

Đối với thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, người này có trách nhiệm phải bồi thường các chi phí cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của nạn nhân.

lai xe Hoa Mai tong chet nguoi anh 2
Vụ tai nạn khiến người phụ nữ tử vong. Ảnh: N.H.

Nhà xe có phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Nhận định về trách nhiệm của nhà xe Hoa Mai, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho rằng cần làm rõ yếu tố lỗi của những cá nhân liên quan, mức độ, hậu quả mà hành vi gây ra cũng như căn cứ từng trường hợp cụ thể để xác định chính xác nghĩa vụ bồi thường.

Trích dẫn Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, ông Hùng cho biết phương tiện giao thông vận tải cơ giới và chất nổ, chất cháy được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi, trừ 2 trường hợp là thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp này, cần xác định tài xế có phải chủ xe hay không. Nếu là chủ xe, người này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Trường hợp lái xe chỉ là người làm thuê và được trả công, đây không phải người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe. Khi đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về người sở hữu phương tiện.

Căn cứ Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015, hãng xe khách Hoa Mai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra khi thực hiện công việc được giao nếu xác định lái xe Phát đang thực hiện nhiệm vụ của công ty.

Đồng thời, hãng xe có quyền yêu cầu người làm công, người gây ra thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài xế không thực hiện công việc được giao mà sử dụng xe vào mục đích cá nhân hoặc ngoài giờ làm việc thì người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường chỉ được loại trừ trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Hoàng Linh

Xem nhiều